TIN TỨC & SỰ KIỆN

ĐIỂM NHẤN NGÀNH TÔM NĂM 2024

1

ĐIỂM NHẤN NGÀNH TÔM NĂM 2024

Năm 2024, ngành tôm Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức như dịch bệnh, thời tiết cực đoan và cạnh tranh gay gắt, khiến giá tôm biến động và người nuôi gặp khó khăn. Tuy nhiên, xuất khẩu tăng trưởng và hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sôi động đã tạo ra những điểm sáng cho ngành. Hãy cùng bản tin Thủy sản Châu Phi điểm lại 8 dấu ấn nổi bật của ngành trong năm 2024 qua video dưới đây.

Năm 2024, ngành tôm Việt Nam đã trải qua nhiều biến động đáng chú ý. Dưới đây là 8 điểm nhấn nổi bật trong năm qua:

  1. Giá tôm liên tục “nhảy múa”: Đầu năm, giá tôm thẻ chân trắng tăng mạnh do nhu cầu xuất khẩu cao, nhưng giữa năm giảm sâu, gây khó khăn cho người nuôi. Đến tháng 10, giá phục hồi, mang lại lợi nhuận từ 20.000 – 30.000 đồng/kg.
  2. Xuất khẩu tăng trưởng 14%, thị trường Halal là điểm sáng mới: Ngành tôm đạt kim ngạch gần 4 tỷ USD, tăng 14%, đóng góp vào kỷ lục 10 tỷ USD của toàn ngành thủy sản. Đặc biệt, xuất khẩu sang Trung Đông đạt 367 triệu USD, tăng 19%, mở ra cơ hội lớn tại các quốc gia Hồi giáo.
  3. EHP vẫn là nỗi ám ảnh chưa được giải quyết: Bệnh EHP tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng tôm và gây khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường khó tính.
  4. Người nuôi tôm hùm thêm một năm lao đao: Người nuôi tôm hùm gặp khó khăn do Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu và dịch bệnh, dẫn đến thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
  5. Làn sóng mua bán, sáp nhập, mở rộng quy mô của doanh nghiệp: Năm 2024 chứng kiến sự gia tăng các hoạt động mua bán, sáp nhập và mở rộng quy mô của các doanh nghiệp trong ngành tôm, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường.
  6. “Mất trắng” sau bão Yagi lịch sử: Tháng 9/2024, là một cột mốc khó phai đối với người nuôi tôm miền Bắc. Người nuôi tôm rơi vào tình trạng khốn đốn khi cơn bão số 3 (bão Yagi) bất ngờ ập đến, diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại lên tới 8.104,14 ha, với tổng thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão ước tính lên đến khoảng 2.503,045 tỷ đồng.
  7. Tinh gọn bộ máy – đột phá mạnh mẽ về thể chế: Bộ NN&PTNT vừa có quyết định lịch sử khi quyết định sáp nhập Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư thành một đơn vị mới – Cục Thủy sản – Kiểm ngư. Quyết định này được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú hích lớn cho ngành thủy sản, đặc biệt là lĩnh vực tôm. Việc thực hiện tinh gọn bộ máy quản lý, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi và doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh.
  8. Ghi dấu ấn với những cam kết phát triển bền vững: Năm 2024 chứng kiến những bước tiến đáng kể của ngành tôm Việt Nam trong việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững. Thuật ngữ “Xanh” được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mạnh vào công nghệ nuôi tôm xanh, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Nguồn: Người nuôi tôm

Votes

Related Posts