BÀI VIẾT, TIN TỨC & SỰ KIỆN

KHÁI QUÁT VỀ MỘT SỐ MÔ HÌNH NUÔI TÔM Ở VIỆT NAM

1 1

Theo thời gian, nghề nuôi tôm biển Việt Nam đã từng bước trải qua gần 40 năm phát triển. Bên cạnh khai thác tiềm năng sẵn có, kết hợp với tiếp nhận những thông tin và du nhập công nghệ nuôi mới, tiên tiến Việt Nam thật sự trưởng thành trong nghề nuôi tôm. Dưới đây là các mô hình nuôi tôm ở Việt Nam.

1. Mô hình nuôi tôm quảng canh

2

– Đây là hình thức nuôi tôm sơ khai nhất của nghề nuôi tôm. Thường diện tích nuôi rộng. Hệ thống chỉ được bao quanh một vùng hay một khu đất ngập triều. 

– Không bổ sung giống, thức ăn và nguyên vật liệu vào quá trình nuôi. Chỉ sử dụng một số ít vật tư có sẵn hay vật tư thô sơ, vật tư sử dụng chung để thu tôm. 

– Tôm thu quanh năm theo con nước thủy triều bằng cách xổ cống. Sản phẩm thu ngoài tôm còn có cua, cá,… tự nhiên. Năng suất thu thấp.

– Nuôi tôm quảng canh ở Việt Nam chủ yếu là tôm sú.

– Nghề nuôi quảng canh thực tế không còn tồn tại ở Việt Nam, tuy nhiên do thói quen gọi nên nhiều người vẫn gọi nuôi tôm quảng canh. Ở một số địa phương còn gọi là mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến truyền thống.

2. Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến

3

– Đây là nghề nuôi tôm tiếp theo nghề nuôi tôm quảng canh, nhưng có sự tác động một số mặt trong quá trình nuôi của con người.

– Hệ thống nuôi được gia cố. Có đầu tư một số vật tư liên quan (chài, lú, lưới,…) và có sử dụng ít nguyên vật liệu vào quá trình nuôi (vôi, phân,…).

– Có bổ sung tôm giống với mật độ thưa (Tổng cả vụ) < 8 con/m2 đối với tôm sú và < 20 con/m2 đối với tôm thẻ chân trắng. Có bổ sung thức ăn nhưng rất ít và chỉ khi cần thiết.

– Thường thu tôm quanh năm theo con nước thủy triều bằng cách xổ cống, đặt lú. Sản phẩm thu là tôm nuôi và tôm, cua, cá tự nhiên khác. Trong đó tôm nuôi là đối tượng thu chính, năng suất thấp.

– Ngoài ra, một số địa phương đã tự khái niệm riêng cho nghề nuôi tôm quảng canh cải tiến theo hướng khác như: nuôi tôm quảng canh cải tiến mật độ cao (mật độ tôm thả cao hơn), nuôi tôm quảng canh cải tiến – Năng suất cao (Năng suất cải thiện hơn quảng canh cải tiến), bởi tùy thuộc vào mật độ tôm giống thả nuôi, diện tích nuôi, đầu tư và sản lượng tôm thu hoạch được.

3. Mô hình nuôi tôm bán thâm canh

4

– Nuôi tôm bán thâm canh hay còn gọi là nuôi tôm bán công nghiệp. Đây là mô hình nuôi tôm trong ao được thiết kế, xây dựng tương đối hoàn chỉnh. 

– Thường diện tích ao nuôi ≤1 ha. 

– Có đầu tư quạt nước cho ao. Sử dụng thức ăn viên công nghiệp cho tôm ăn. Có sử dụng đầy đủ nguyên, nhiên vật liệu trong quá trình nuôi. Môi trường nước và sức khỏe tôm được quản lý chặt chẽ. 

– Tôm giống được chọn lựa kỹ trước khi thả. Hiện nay, mật độ tôm giống thả ở mô hình bán thâm canh chưa thống nhất chung giữa các vùng, chưa được đơn vị quản lý quy định, nhưng thường < 20con/m2 đối với tôm sú và < 80 con/m2 đối với tôm thẻ. 

– Thu tôm theo mục tiêu riêng của từng người nuôi, có thể thu tôm bằng cách xổ cống, đặt lú, lưới điện. Năng suất đạt lên đến 800 – < 3.000 kg/ha/vụ đối với tôm sú và 2.000 – <10.000 kg/ha/vụ đối với tôm thẻ.

4. Mô hình nuôi tôm thâm canh

5

– Nuôi tôm thâm canh hay còn hay là nuôi tôm công nghiệp. Hệ thống ao được thiết kế bài bản theo đúng yêu cầu quy trình kỹ thuật. 

– Diện tích mỗi ao thay đổi tùy theo điều kiện từng mô hình, nhưng thường ≤ 1 ha. 

– Có đầu tư quạt nước hay oxy đáy cho ao nuôi. Sử dụng thức ăn viên. Sử dụng đầy đủ nguyên, nhiên vật liệu trong quá trình nuôi. Môi trường nước, sức khỏe tôm, hồ sơ được quản lý chặt chẽ. 

– Tôm giống được chọn lựa kỹ trước khi thả. Hiện nay, mật độ tôm giống thả ở mô hình thâm canh chưa thống nhất chung giữa các vùng, chưa được đơn vị quản lý quy định, nhưng thường < 40 con/m2 đối với tôm sú, < 180con/m2 đối với tôm thẻ. 

– Năng suất tôm thu hoạch đạt khoảng  3.000 – < 6.000 kg/ha/vụ, và 10.000 – < 25.000 kg/ha/vụ đối với tôm thẻ. 

– Ở Việt Nam nghề nuôi tôm thâm canh được phổ biến trên cả tôm sú và tôm thẻ. 

5. Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh

6

– Đây là nghề nuôi tôm với mật độ cao nhất hiện nay. Diện tích mỗi ao thay đổi tùy theo điều kiện từng mô hình, nhưng thường ≤ 0,5 ha. 

– Hệ thống ao được thiết kế rất bài bản theo đúng yêu cầu quy trình kỹ thuật đặt ra và theo một số yêu cầu cụ thể riêng. Ao có hệ thống gom chất thải, thu chất thải chủ động. 

– Đầu tư đầy đủ tất cả các trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, năng lượng dự phòng,… cần thiết cho mô hình nuôi tôm mật độ cao. Môi trường nước, sức khỏe tôm, hồ sơ được quản lý chặt chẽ, có thể sử dụng một số thiết bị điện tử để theo dõi và điều chỉnh.

– Hiện nay, mật độ tôm giống thả ở mô hình siêu thâm canh chưa thống nhất chung và chưa được đơn vị quản lý quy định, nhưng thường 40 con/m2 đối với tôm sú và 180 con/m2 đối với tôm thẻ. 

– Năng suất thu hoạch đạt rất cao, đạt 25.000 kg/ha/vụ đối với thẻ. 

– Ở Việt Nam mô hình nuôi tôm siêu thâm canh hiện chủ yếu phát triển mạnh ở tôm thẻ.

Votes

Related Posts